Bệnh viên da liễu Thanh Hóa - 195 / đường Hải Thượng Lãn Ông - P. Quảng Thắng - TP. Thanh Hóa.

  • VIÊM DA TIẾP XÚC DO CÔN TRÙNG

Lương Đức Diễn

                                                                    

Viêm da tiếp xúc là một trong các dạng viêm da thường có tác nhân từ bên ngoài, chịu tác động từ nhiều nguồn dị nguyên khác nhau như: côn trùng, hóa chất, phấn hoa, môi trường... Khi bị côn trùng như kiến ba khoang, bướm hai chấm... đốt, đậu, bám trực tiếp vào da  hay  lau khăn mặt, khăn tắm, quần, áo, chăn, màn, giường, chiếu các vật dụng có lông bướm sẽ  gây ra tình trạng viêm da. Riêng với kiến ba khoang, chất dịch tiết của nó có loại độc tố pederin độc gấp 10 – 15 lần nọc độc của rắn hổ mang nhưng không gây chết người vì lượng chất độc quá ít, độc tố này dễ dàng thấm qua da. Trong lông bướm hai chấm có chất Histamin gây ra bỏng ngứa khi da người bệnh  tiếp xúc với nó.

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng, nguyên nhân thường do lông hay dịch tiết của côn trùng bám vào da. Bệnh này thường bùng phát vào mùa thu hoạch lúa, mùa mưa từ  tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Khi nông dân thu hoạch lúa hay vào mùa mưa, côn trùng không còn nơi cư trú bay vào trong nhà, nhất là về đêm côn trùng thấy ánh sáng điện sẽ bay vào nhà.

Triệu chứng viêm da

Hơn 60% bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng. Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông, lưng. Sau khi tiếp xúc độc tố của côn trùng, người bệnh thấy ngứa, rát da, đỏ nề trên bề mặt thương tổn, hình dạng có thể hình tròn, bầu dục. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 – 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những thương tổn này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y, hình tròn, đa giác tùy theo cách ta giết chúng. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời. Những trường hợp bội nhiễm bọng nước, mụn nước chuyển thành bọng mủ, mụn mủ khi vỡ loét ra.

Cách xử lý và điều trị bệnh:

Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng có chứa độc tố, cần áp dụng ngay một số biện pháp xử lý cấp tốc để bệnh thuyên giảm, cụ thể như sau:

 Trường hợp nhẹ: Rửa sạch da với các loại xà bông có tính kiềm làm trung hòa môi trường acid có trong chất độc  của côn trùng, đồng thời việc rửa sạch vùng da tiếp xúc cũng làm chất độc trôi vào nước giảm kích ứng. Có thể tự khỏi sau 5-7 ngày da đóng vảy và khô dần khỏi bênh.

 Trường hợp nặng: Đối với trường hợp nặng bệnh gây viêm nhiễm nghiêm trọng thì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Thuốc kháng sinh như: penicillin, cephalexin, ampicillin…; Thuốc kháng histamin như desloratadin, telfast, cetirizin, clarityne,…; Các thuốc bôi: làm dịu da, sát khuẩn, kháng sinh có corticoid.

Việc điều trị bệnh viêm da tiếp xúc cần xử lý tốt và thực hiện sớm, tránh xảy ra tình trạng viêm da nghiêm trọng có thể dẫn tới tổn thương vào bên trong.

Phòng bệnh:

Để phòng bệnh, cần đóng kín cửa, không để côn trùng bay vào nhà hoặc có lưới ngăn côn trùng ở cửa chính và cửa sổ khi mở cửa; Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng; Phun thuốc xua đuổi côn trùng; Không lộn trái quần áo khi phơi, kiểm tra chăn màn, gường chiếu trước ngủ; Khi côn trùng bám dính vào da thì không giết mà chỉ phủi nhẹ, vệ sinh da bằng nước xà phòng khi côn trùng bám dính vào da; Đặc biệt với kiến ba khoang, nếu lỡ tay đập chết chúng trên da thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng, sau đó bôi thuốc tím và đến cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và xử trí.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK

Địa chỉ: 195 Đường Hải Thượng Lãn Ông - P. Quảng Thắng - TP. Thanh Hóa. Hotline: 0966.861.12.12. Tel: 0373.950.302


Copyright © Bệnh viện da liễu Thanh Hóa. Powered by Công Ty Thiết Kế Website tại Thanh Hóa - www.ADTechJSC.com