Bệnh viên da liễu Thanh Hóa - 195 / đường Hải Thượng Lãn Ông - P. Quảng Thắng - TP. Thanh Hóa.

  • BỆNH ẤU TRÙNG DI CHUYỂN Ở DA

(Cutaneous larval migrans – creeping eruption)

 

Bệnh ấu trùng di chuyển ở da (Cutaneous larval migrans – creeping eruption) là một hội chứng lâm sàng với tổn thương da đặc trưng là ban đỏ hình dải vằn vèo hoặc hình lượn sóng, di chuyển kèm theo ngứa rất nhiều. Bệnh thường là hậu quả của nhiễm qua da ấu trùng giun móc của chó, mèo.
1.  Dịch tễ và căn nguyên
-   Bệnh phân bố trên toàn thế giới nhưng hay gặp hơn ở vùng có thời tiết ấm, ẩm như các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Châu Phi, châu Mỹ,… Ấu trùng có thể được tìm thấy ở bãi cát, hộp cát, sàn nhà ở.
-   Bệnh thường là hậu quả của nhiễm qua da ấu trùng giun móc của chó, mèo hoặc một số động vật khác như Ancilostoma braziliense, Ascaris suum, Bunostomum phlebotum, Ancylostoma caninum;…
-   Giun móc gây bệnh ở chó mèo, sau đó trứng giun đi theo phân của chó mèo ra môi trường, trong điều kiện thuận lợi, trứng nở và phát triển thành ấu trùng, ấu trùng có thể tồn tại trong 3-4 tuần ở điều kiện môi trường thuận lợi. Con người có thể bị nhiễm bệnh khi ấu trùng từ đất xâm nhập vào da. Ấu trùng này không thể trưởng thành được trong cơ thể người (vì con người là những vật chủ trung gian ngẫu nhiên). Ấu trùng di chuyển trong lớp thượng bì và thiếu men collagenase cần thiết cho sự phá vỡ màng cơ bản nên thường chỉ khu trú ở lớp thượng bì. Ấu trùng di chuyển gây ra các phản ứng viêm dọc theo đường đi ở da, phản ứng viêm này có thể tiếp tục diễn ra trong vài tuần. Một số trường hợp xâm nhập vào mô sâu hơn, có thể gây ra tổn thương ở phổi nhưng rất hiếm.

Hình ảnh: Vòng đời gây bệnh ấu trùng di chuyển của ấu trùng giun móc ở chó mèo.
(nguồn ảnh: uptodate.com)
2.  Lâm sàng
2.1.   Biểu hiện ở da:
-   Vị trí: thường gặp ở chi dưới, đặc biệt là bàn chân. Ngoài ra có thể gặp ở mông, sinh dục; thân và chi trên rất ít gặp. Thường có 1-3 tổn thương.
-   Khởi phát thường là sẩn đỏ có ngứa ở vị trí ấu trùng xâm nhập. Một vài ngày sau đó tổn thương trở nên ngứa dữ dội, xuất hiện ban màu đỏ nâu, vằn vèo, lượn sóng, nổi gờ nhẹ tương ứng với đường di chuyển của ấu trùng. Tổn thương này thường xuất hiện sau 2-6 ngày nhưng cũng có thể xảy ra vài tuần sau khi tiếp xúc.
-   Ấu trùng di chuyển với tốc độ khoảng vài milimet (thậm chí có thể lên tới vài centimet) mỗi ngày. Tổn thương có chiều rộng khoảng 3mm, có thể dài 15-20mm, và bản thân ấu trùng nằm cách vùng tổn thương bùng phát khoảng 1-2cm (ở phía trước theo hướng di chuyển của tổn thương).
-   Có thể gặp tổn thương sưng đỏ, phù nề tại chỗ .
-   Tổn thương mụn nước, bọng nước có thể xuất hiện trong 10% trường hợp, và sự xuất hiện tổn thương nodule và bọng nước có thể làm trì hoãn chẩn đoán.
-   Tổn thương có thể trở nên chàm hóa, đóng vảy tiết hoặc có thể bị nhiễm trùng thứ phát.
-   Cơ năng: ngứa rất dữ dội (98-100% bệnh nhân có triệu chứng này), có thể gây mất ngủ.
-   Đôi khi, ấu trùng có thể tồn tại trong nang lông và gây bệnh kéo dài đến 2 năm. Viêm nang lông do ấu trùng giun móc là một dạng hiếm gặp ở bệnh ấu trùng di chuyển ở da (khoảng 5%). Tổn thương có thể ở nhiều nang lông, có ban đỏ, sẩn ngứa và mụn mủ và thường gặp ở mông.
     Bệnh ấu trùng di chuyển ở da có thể tự thoái triển trong 2-8 tuần kể cả không điều trị gì, một số trường hợp có thể kéo dài hơn. Triệu chứng trên da có thể tồn tại dai dẳng vài tuần đến vài tháng sau đó.
Hình ảnh bệnh nhân nữ, 60 tuổi: A. Tổn thương ban đỏ lượn sóng, vằn vèo di chuyển, có 1 số mụn nước ở mông, tổn thương ngứa dữ dội. B. Tổn thương sau 3 ngày điều trị bằng Ivermectin 12mg liều duy nhất, bệnh nhân hết ngứa sau 1 ngày, tổn thương da giảm đỏ, giảm phù nề, không còn tổn thương mụn nước.
(Nguồn ảnh: BSNT. Nguyễn Thị Huyền Thương).
2.2.   Biến chứng
-   Biến chứng hay gặp nhất là nhiễm trùng thứ phát tại vùng tổn thương.
-   Phản ứng dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân như mày đay.
-   Biến chứng phổi: Sự lây nhiễm vào máu sau đó đi đến phổi là biến chứng hiếm gặp của nhiễm ấu trùng di chuyển ở da. Các biểu hiện hay gặp nhất là ho khan, triệu chứng này sẽ bắt đầu khoảng một tuần sau khi ấu trùng xâm nhập qua da. Ho thường kéo dài từ một đến hai tuần nhưng có thể hiếm khi kéo dài đến chín tháng. Chẩn đoán tổn thương phổi thường được đặt ra khi có các triệu chứng hô hấp ở những bệnh nhân có tổn thương da điển hình của bệnh ấu trùng di chuyển. X quang tim phổi có thể biểu hiện hình ảnh thâm nhiễm mau bay của ấu trùng di chuyển. Thường gặp tăng bạch cầu ái toan trong máu, và có thể có bạch cầu ái toan trong dịch rửa phế quản. Chẩn đoán xác định dựa vào việc tìm thấy ấu trùng từ chất bài tiết của đường hô hấp hoặc dịch rửa phế quản, mặc dù hiếm khi cần đến xét nghiệm này. Xét nghiệm phân và huyết thanh học không hữu ích trong chẩn đoán.
3.    Chẩn đoán xác định
-   Chẩn đoán xác định dựa vào tiền sử tiếp xúc (bệnh nhân có tiến sử tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm), các tổn thương da tìm thấy ở vị trí xâm nhập.
-   Tăng bạch cầu ưa a xít trong máu rất hiếm gặp.
-   Sử dụng Dermoscopy giúp chẩn đoán thuận lợi: Ở vùng có cơ thể ấu trùng thấy hình ảnh một vùng nâu, mờ, không rõ cấu trúc, và điểm đỏ như mạch máu tương ứng với hang rỗng ấu trùng để lại sau khi di chuyển.
Hình ảnh tổn thương trên Dermoscopy. 
(nguồn ảnh: BSNT. Nguyễn Thị Huyền Thương).
4.  Chẩn đoán phân biệt
-   Nhiễm giun lươn, giun đầu gai, sán lá gan.
-   Nấm bàn chân.
-   Viêm da tiếp xúc.
-   Chốc.
-   Ghẻ.
5.    Điều trị
-   Mục tiêu điều trị: Diệt ấu trùng, giảm triệu chứng (đặc biệt là ngứa) và phòng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
-   Điều trị cụ thể:
> Thuốc diệt ấu trùng:
-   Ivermectin là lựa chọn hàng đầu vì hiệu quả cao, dễ dung nạp và ít tác dụng phụ. Liều dùng: 200mcg/kg uống liều duy nhất. Liều duy nhất của Ivermectin có thể khỏi 94-100%. Sau khi điều trị, triệu chứng ngứa thường mất đi sau trung bình 3 ngày và tổn thương da thường mất đi trong 7 ngày. Bệnh nhân có viêm nang lông do ấu trùng giun móc nên được điều trị bằng 2 liều Ivermectin.
-   Albendazole: 400mg uống trong 3 ngày liên tiếp. Đối với bệnh nhân có nhiều tổn thương hoặc tổn thương lan rộng có thể dùng 1 đợt Albendazole kéo dài 5-7 ngày.
-   Tác nhân tại chỗ có thể là một phương pháp điều trị thay thế, tuy nhiên hiệu quả điều trị còn hạn chế. Thiabendazole 15%: bôi trong 5 ngày có  thể có hiệu quả trong giảm ngứa và ngăn chặn sự lan rộng của tổn thương. Albendazole 10% cũng được báo cáo là có hiệu quả khi dùng 3 lần mỗi ngày trong 10 ngày.
Ø Nhóm thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin cũng có ích trong việc kiểm soát ngứa.
Ø Sử dụng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân trong trường hợp bội nhiễm.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK

Địa chỉ: 195 Đường Hải Thượng Lãn Ông - P. Quảng Thắng - TP. Thanh Hóa. Hotline: 0966.861.12.12. Tel: 0373.950.302


Copyright © Bệnh viện da liễu Thanh Hóa. Powered by Công Ty Thiết Kế Website tại Thanh Hóa - www.ADTechJSC.com